Tết trung thu hay còn được biết đến với tên gọi khác là Tết Đoàn Viên, ngày lễ này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn xuất hiện ở nhiều quốc gia Châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore,… Với một đất nước có nền văn hóa gần giống với Việt Nam như Trung Quốc thì bạn có bao giờ thắc mắc tết trung thu Việt Nam có sự khác biệt như thế nào so với tết trung thu Trung Quốc chưa? Hãy cùng Rich’s khám phá và tìm ra nhiều điều thú vị ở bài viết bên dưới nhé.

1. Nguồn gốc

Tết trung thu tại Trung Quốc xuất hiện vào đời nhà Thương khoảng thế kỷ 10 TCN. Lúc bấy giờ người xưa chưa gọi nó bằng cái tên “tết trung thu” mà thay vào đó được gọi bằng lễ hội ăn mừng mùa màng bội thu Rằm tháng 8. Sau đó lễ hội này trở nên phổ biến trong những năm thuộc triều đại nhà Đường (618-907). Thuật ngữ “Tết Trung Thu” xuất hiện lần đầu tiên vào thời nhà Chu. Thời đại phong kiến Trung Quốc vua chúa, quan viên dành rất nhiều của cải để tổ chức lễ hội mừng tết trung thu.

Tại Việt Nam, theo các tài liệu cổ Tết trung thu chính thức được tổ chức từ đời nhà Lý tại kinh đô Thăng Long với các hoạt động như: hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Từ đó, ta cũng có thể suy luận được rằng, Tết trung thu ở Việt Nam ra đời sau tết trung thu Trung Quốc.

2. Ý nghĩa

Theo truyền thuyết cổ xưa của người Việt Nam thì Tết trung thu là ngày để người dân làm lễ tạ ơn Rồng làm mưa giúp cho mùa màng bội thu. Người lớn bày mâm cỗ cúng, còn trẻ em được phá cỗ và rước đèn. Nhân dịp này, mọi người mua bánh Trung Thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ và tặng cho người thân của mình.

Đối với người dân Trung Quốc, Tết trung thu được coi như một trong 4 ngày lễ lớn nhất trong năm, chỉ sau Tết Nguyên Đán và mang nhiều ý nghĩa gắn liền với đời sống văn hoá của người dân đất nước này. Trung Thu, mọi người trong gia đình, dù ở bất kì đâu cũng đều sẽ về với ông bà cha mẹ ăn bữa cơm đoàn viên, đó là ý nghĩa “song viên”, nên cũng gọi là ”Tết Đoàn Viên”. Tết Trung Thu còn được biết như ngày lễ truyền thống dân gian của Hán Tộc và dân tộc thiểu số khác của Trung Quốc.

3. Tín ngưỡng thờ cúng mặt trăng

Về tín ngưỡng thờ cúng mặt trăng của người Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm không tương đồng. Trong đó hình ảnh Mặt trăng đối với người Việt Nam gắn liền với đời sống sinh hoạt và mùa màng. Rằm tháng 8 rơi vào mùa thu nên tiết trời mát mẻ, khí hậu dễ chịu nhất trong năm, nửa đêm Rằm tháng 8 chính là lúc Mặt trăng đẹp và sáng nhất. Lúc này mùa vụ đã kết thúc nên người nông dân có thể thảnh thơi thưởng trăng, hòa mình với đất trời.

tettrungthu1
Mặt trăng gắn liền đời sống sinh hoạt của người Việt Nam

Riêng Mặt trăng đối với người Trung Quốc là biểu tượng của phồn sinh gắn liền hình ảnh sinh con đẻ cái của người phụ nữ. Theo truyền thuyết cổ xưa của người Choang ở Trung Quốc lưu truyền thì Mặt trời và Mặt trăng là vợ chồng và các ngôi sao là con cái của họ. Mặt trăng mang phần âm, đại diện cho nữ giới và thật lung linh, lộng lẫy vào ngày Rằm tháng 8.

tet trung thu 2
Mặt trăng của người Trung Quốc biểu tượng cho sự phồn sinh

Truyền thuyết còn cho rằng Mặt trăng tròn là do mang thai. Sau khi sinh con nó sẽ bị khuyết đi và có hình lưỡi liềm. Người phụ nữ đối vai trò quan trọng trong việc duy trì nòi giống, cần được tôn trọng và ghi nhận sự hy sinh. Ngày 15 tháng 8 âm lịch chính là ngày tưởng nhớ công lao sinh thành vĩ đại của họ.

4. Tục chơi đèn lồng

Vào tết trung thu trẻ em Việt Nam thường chơi với những chiếc đèn lồng có nhiều hình dáng khác nhau. Đèn lồng được tô điểm bởi các họa tiết, chi tiết mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam như cành đào, hoa mai, nhánh trúc, chữ thư pháp hay các di tích văn hóa lịch sử. Đèn lồng của người Việt là biểu tượng của sự ấm no, hạnh phúc và tình cảm gia đình ấm áp.

tet trung thu 3
Đèn lồng của người Trung Quốc

Người Trung Quốc thường dùng đèn lồng dạng xếp tròn có màu đỏ vào đêm trăng Rằm. Họ cho rằng màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, yên bình cũng như biểu tượng cho khả năng sinh sản. Đèn lồng của người Trung Quốc mang biểu tượng cho sự may mắn, bình an và hạnh phúc.

tet trung thu 4
Đèn lồng của người Việt Nam

5. Các hoạt động trong ngày Tết trung thu

Ngày tết trung thu người Trung Quốc, từ người lớn cho đến trẻ con đều có các hoạt động vui chơi dành cho riêng mình. Người lớn sẽ bày tiệc thưởng trăng, thả đèn dưới sông. Và đặc biệt ở một bộ phận người Trung Quốc còn có hoạt động mai mối vào đêm trăng rằm. Vào ngày này, các trò chơi như rước đèn cá chép, đèn kéo quân, múa lân, múa rồng lửa và ăn bánh trung thu là những hoạt động được yêu thích đối với trẻ con Trung Quốc.

Người Việt mình mừng Trung thu bằng cách chế biến các món bánh dâng lên tổ tiên, ông bà, gia đình, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em. Người Việt thực hiện lần lượt các nghi lễ như: rước đèn, bày cỗ, phá cỗ, hát trống quân,….dưới trăng. Bày cúng vào đêm trăng Rằm với các sản vật, hương hoa đất trời thực chất là thể hiện lòng thành kính, biết ơn trời đất, vũ trụ.

Trên đây là 5 điểm khác biệt của tết trung thu Việt Nam với tết trung thu Trung Quốc. Dù cách thức tổ chức tết trung thu ở mỗi quốc gia không giống nhau nhưng nhìn chung đây là một phong tục rất có ý nghĩa và cần được gìn giữ. Tết trung thu là dịp để mọi người đoàn viên, sum họp chung vui bên mâm cỗ ăn mừng mùa màng bội thu và bày tỏ lòng biết ơn đối với trời đất, tổ tiên.